cohtran_HSed

 

 Mộc Châu mơ màng
20:32:38 18/05/2011
Có dịp đến với Mộc Châu một lần, dù mùa hè hay mùa đông, ngày sương mù trắng núi hay ngày nắng trải vàng mơ trên rừng..., du khách đều không khỏi ngẩn ngơ trước vẻ đẹp của vùng đất này. Cao nguyên Mộc Châu nằm ở độ cao 1.050m so với mực nước biển, trải dài khoảng 80km, rộng 25km với 1.600ha đồng cỏ, thuộc tỉnh Sơn La, cách Hà Nội gần 200km về phía tây bắc. Nơi này có những đồi chè ngút ngàn, đồng cỏ mênh mông, những đàn bò sữa thảo nguyên thong dong gặm cỏ; những vườn mận, vườn mơ trải hoa trắng trong thung lũng khi mùa xuân về...

Những trang trại bò sữa Mộc Châu từ lâu đã nổi tiếng với giống bò trắng lang đen của Hà Lan, nay đang góp phần phát triển loại hình “du lịch trải nghiệm”. Du khách sẽ được tự tay cho bò ăn, tự tay vắt sữa bò, uống sữa bò tươi nguyên chất, ngủ lều giữa mênh mông gió đồng cỏ… Nếu bạn yêu thích thiên nhiên trong lành, có lẽ không gì thú vị bằng được lang thang trên những triền cỏ xanh mịn mềm, bao la bát ngát, rải rác đó đây là những cụm cúc dại, bông trắng li ti. Xa hơn một chút là những ngọn đồi mờ mờ xanh, mơ màng in bóng trong mây.

 Đồi chè Mộc Châu xanh tươi trong nắng

 Lãng mạn thác Dải Yếm

 Một lần đến với cao nguyên Mộc Châu là một lần du khách tìm thấy sự tĩnh lặng tâm hồn, thỏa sức trải rộng lòng mình để giao hòa với thiên nhiên, với cây cỏ và thác suối...

Vietbao (Theo: quehuongonline.vn)

 Thảo nguyên Mộc Châu bao la là nơi chăn nuôi bò sữa lý tưởng

  Du khách có thể chuẩn bị trước những xiên thịt nướng từ ở nhà, hay đặt mua từ các nhà hàng nho nhỏ của thị trấn món “lợn cắp nách”, “đặc sản gà dai”, lẩu dê nấu ngải cứu… để đêm đến, bên bếp lửa bập bùng hoang dã, khách như sống đời du mục. Qua giấc một đêm trong lều giữa thảo nguyên lộng gió, chắc chắn bạn sẽ thích thú vô cùng với những cảm giác chưa từng gặp trong đời. Nếu không có người hướng dẫn, bạn có thể hỏi thăm những chủ trang trại bò sữa để xin ở lại qua đêm và tham gia những hoạt động dã ngoại “kiểu Mộc Châu”, người dân địa phương hồn hậu và nhiệt tình sẽ đón bạn trong không khí thân tình ấm áp.

Khí hậu chính là tài nguyên du lịch đặc biệt của xứ này. Ở giữa cao nguyên là một vùng tiểu khí hậu với mùa hè mát mẻ, nhiệt độ trung bình chỉ 20oC và mùa đông khô ráo hơn các vùng khác. Vào mùa khô, đồng cỏ trơ trụi là thời điểm thích hợp để du khách thưởng thức không khí của đồng cỏ ôn đới. Mùa thu hay mùa xuân là mùa những rừng thông Mộc Châu biếc xanh, những đồi chè mơn mởn ra đợt lá mới.

Từ ngã ba cửa khẩu Pa Háng, xã Lóng Sập, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đi theo đường chính hay đi dọc theo suối khoảng 4km là đến chỗ hợp lưu hai con suối, bạn sẽ gặp một thác nước hùng vĩ. Tương truyền, dòng thác này là dải yếm của người con gái cứu chàng trai thoát khỏi dòng lũ, nên có tên rất lãng mạn là thác Dải Yếm. Điểm khởi nguồn của dòng suối tạo ra thác là một bản dân tộc Thái có lịch sử lâu đời nhất vùng này. Thác nằm thấp hơn mặt đường, lối đi vào lẫn giữa những ngôi nhà phơi ngô, phơi sắn ngổn ngang. Theo lối xuyên rừng, tuột xuống thấp thêm một quãng ngắn và dốc, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hai dòng suối đổ xuống với chiều cao 100m, một bên chín tầng, bên còn lại năm tầng. Địa thế rừng núi nơi này khá cheo leo, tạo nên vẻ đẹp rất hoang sơ và ấn tượng. Hồ nước tạo bởi hai con thác đổ xuống quanh năm xanh trong ngăn ngắt giữa bốn bề cỏ cây hoa lá. Vùng hơi nước xạ quang ánh nắng, tạo nên một cầu vồng thoắt mờ thoắt hiện.

  Những điệu múa dân gian Tây Bắc
17:07:42 25/05/2011
Miền Tây Bắc của Tổ quốc là một vùng núi non hùng vĩ, xứ sở của hoa ban nở trắng rừng, miền đất dịu ngọt của những thiên tình sử, những áng sử thi huyền diệu, những trang phục sặc sỡ nhiều gam màu nóng và quê hương của những vũ điệu dân gian sôi động, say đắm lòng người...

Người Việt Nam nói chung và đồng bào Tây Bắc nói riêng từ xa xưa đã rất ưa thích múa. Những điệu múa dân gian vùng Tây Bắc vừa mang đậm bản sắc văn hóa các tộc người, lại vừa thể hiện tính nghệ thuật cao qua từng bước đi, điệu nhảy. Trong mỗi điệu múa còn chứa đựng tâm hồn, tình cảm và cả cốt cách của người dân miền núi.

Múa xoè Tây Bắc

Nói đến nghệ thuật dân gian của người Thái không thể không nói đến điệu múa xòe đặc trưng. Những cuộc tụ họp đông vui có thể múa xoè quanh đống lửa, quanh hũ rượu cần với sự tham gia đông đảo của già trẻ, trai, gái trong tiếng chiêng, tiếng trống rộn ràng

   

  

Múa khèn

Múa khèn là múa dân gian dân tộc Mông trong các cuộc vui, trong hội hè và phiên chợ xuân, là điệu múa của nam giới, rất độc đáo, có tinh thần thượng võ, tính cách mạnh mẽ, dũng cảm, nhanh nhẹn, khéo léo, tài hoa với nhiều yếu tố nghệ thuật và kỹ thuật cao, phải vừa thổi khèn vừa múa mà không được để khèn ngắt quãng. Động tác múa khèn phong phú, đa dạng. Người ta thống kê được 33 động tác, tổ hợp múa khèn.

Cây khèn vừa là nhạc cụ độc đáo, gồm nhiều ống trúc nhỏ ghép lại, có thể thổi hơi ra, có thể hít hơi vào; khèn vừa là đạo cụ múa có cấu tạo phù hợp với dáng khum người và các thế quay, nhảy... Tiếng khèn có thể một lúc phát ra đa âm, nhiều bè, vang xa trầm hùng như tiếng của gió ngàn, của suối reo, chim kêu, vượn hót, tiết tấu theo nhịp 4/4 hoặc 2/4 thích hợp với các động tác múa khèn:

Vang vọng núi rừng tiếng khèn gọi bạn
Điệu múa khèn nghiêng ngả tán ô đen

Có thể nhiều chàng trai Mông cùng nhau múa khèn trên bãi cỏ, đất bằng phẳng với những vũ đạo đẹp mắt, những bước nhún, bước đảo, bước quay hoặc vừa ôm khèn vừa lăn mình trên đất. Ngoài ra có nhiều nghệ nhân có trình độ múa khèn điêu luyện, biểu diễn nhiều mô típ siêu việt, độc đáo: múa khèn trên một gốc cây lớn cưa bằng, trên 4 cọc trồng hình vuông hay trên cây gỗ tròn bắc qua suối...

Múa khèn Mông với các vũ điệu đẹp, tài hoa, dũng mãnh và trữ tình, có sức sống mãnh liệt, lâu bền của văn hoá Mông, được nhân dân trong, ngoài nước yêu thích, ngưỡng mộ.


  

  Theo các già làng cho biết có tới 32 điệu xoè, nay chỉ còn giữ được một số điệu. Xoè vòng sôi nổi bao nhiêu thì xoè điệu nhẹ nhàng, tinh tế bấy nhiêu. Xoè nón thì thật duyên dáng và hấp dẫn... Các cô gái Thái trong điệu xoè nón với chiếc nón trong tay lúc chạm vào lúc mở ra từ từ từng cánh như bông hoa trắng muốt. Có lúc nón lao nhanh trên đầu, lúc lại nhẹ nhàng quay trên vai, nghiêng nghiêng bên má, khi e thẹn xoay tròn trước ngực rồi lại dập dờn như cánh bướm mùa xuân.

Bắt nguồn từ cuộc sống, những điệu múa dân gian của người Thái Tây Bắc sống mãi với thời gian, là món ăn tinh thần không thể thiếu. Để rồi qua mỗi điệu múa, đêm xòe, mỗi người thêm yêu đời, yêu người, tự tin bước vào một ngày mới tốt đẹp hơn. Cũng vì vậy các điệu múa Thái đã trở thành vốn văn hóa quý báu, là niềm tự hào của người Thái Tây Bắc và dân tộc Việt Nam.


Múa sạp

Múa sạp là điệu múa dân gian đặc sắc của dân tộc Mường trong những dịp vui, trong lễ hội xuân, ngày nay phát triển rộng ra nhiều dân tộc khác. Đạo cụ cần thiết cho múa sạp phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính 3 đến 4cm, dài 3 đến 4m). Khi múa, người ta đặt hai sạp cái để cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con, từng cây sạp con đặt song song, cách đều nhau chừng hai gang tay tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sạp và một tốp múa, mỗi tốp có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều, đội hình càng phong phú sinh động.

Tốp đập sạp: mỗi đôi trai gái ngồi hai đầu một cặp sạp con và gõ theo nhịp 4/4, cứ ba lần gõ sạp con lên sạp cái thì một lần gõ hai sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa, vừa gõ vừa hát.

Tốp múa: lần lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn sạp, mỗi người cầm một chiếc khăn màu dài, khi tung lên, khi uốn lượn quanh người. Động tác khi lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập quay, nhảy, bay trên sạp; đội hình uốn lượn quấn quýt, biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn, tất cả đều diễn ra trên dàn sạp và phải đúng nhịp, làm sao khi hai sạp con chập vào nhau thì không bị kẹp chân vào. Cứ hễ hai tốp gõ sạp và nhảy múa thay nhau trong tiếng cồng, tiếng trống nhịp nhàng, sôi động. Cuộc vui kéo dài không biết chán, cuốn hút mọi người rất hào hứng, say sưa.

  ===============================================================
Các dân tộc khác ở Tây Bắc cũng có những điệu múa dân gian riêng, như điệu tăng bu (dỗ ống) của dân tộc La Ha với những cô gái nhún nhảy mềm mại uyển chuyển trong tiếng đệm rộn ràng của một dàn ống tre đục rỗng mắt, hay những vũ điệu đầy sức hấp dẫn với các động tác lắc mông, lượn eo uyển chuyển của dân tộc Khơ Mú, Xinh Mun thật sinh động và quyến rũ, hay điệu múa chuông nổi tiếng của dân tộc Dao.

Những điệu múa dân gian Tây Bắc vốn là sinh hoạt văn hóa mang tính cộng đồng cao đã tồn tại lâu đời trong đời sống tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số. Múa dân gian Tây Bắc hấp dẫn, có sức lôi cuốn mạnh mẽ, bởi trong đó chứa đựng nhiều giá trị nhân văn, nhiều khát vọng của con người. Múa như ngọn lửa diệu kỳ cháy mãi lên ca ngợi những gì là tốt đẹp nhất của tình yêu và cuộc sống.    


Vietbao (Theo: quehuongonline.vn)

   Eo Gió Quy Nhơn
23:48:13 29/04/2011
Những nốt nhạc hòa quyện trong cung bậc của những cơn gió lùa vào các hang động, tiếng sóng biển rì rào, tiếng róc rách của những con suối nằm trong khe núi, tiếng đàn yến lao xao… Đến Quy Nhơn bạn hãy một lần ghé qua Eo Gió.

Buổi sáng đẹp trời, trước khi đi qua Eo Gió, chúng tôi dừng chân dưới chân tượng đài chiến thắng Quy Nhơn thưởng thức ly cà phê sớm. Nhìn các chị các cô say sưa tập dưỡng sinh với bài múa kiếm, câu hát “Ai về Bình Định mà coi/ Con gái Bình Định cầm roi đi quyền” như đâu đó vọng về.

Để đến Eo Gió, mọi người hào hứng băng qua cây cầu Thị Nại. Với chiều dài ấn tượng 2.500m, đây là cây cầu bắc qua biển dài nhất Đông Nam Á, niềm tự hào của vùng đất đầy nắng và gió biển này.


Từ lưng chừng Eo Gió nhìn ra biển Đông với cảnh thuyền đánh bắt xa bờ cập bến

 Eo Gió nhìn từ trên cao

 Ngày xưa, khi chưa có cầu Thị Nại, giao thương giữa Nhơn Lý và Quy Nhơn rất khó khăn. Người dân hoặc du khách phải ngồi ghe máy gần hai giờ đồng hồ để đi từ Quy Nhơn tới Eo Gió và ngược lại. Giờ đây khoảng cách ấy được rút ngắn rất nhiều.

Đường lên Eo Gió, lối đi vẫn còn hoang sơ và không có sự tác động nhiều từ bàn tay con người. Từ trên cao nhìn ra xa, cụm dân cư thôn Hưng Lương nằm ngay dưới chân núi trông thật bình yên với những con thuyền bé nhỏ đang từ từ cập bến.

Để lên tới đỉnh phải đi theo những con đường mòn nhấp nhô đá rất khó khăn. Nhiều đoạn phải dò dẫm từng bước. Nhưng bù lại cho những vất vả là cảm giác thật tuyệt, không gì tả nổi. Trước mắt là biển trời bao la với những đường cong tuyệt đẹp của Eo Gió. Tiếng gió thổi lồng lộng rít bên tai, "nghe" chan chát mùi của biển cả.

Những âm thanh du dương phát ra từ những vách đá, tiếng sóng biển nhè nhẹ dạt dào vào chân núi, văng vẳng đâu đấy tiếng lao xao của đàn chim yến lao xao trong những hang động. Phía sâu trong khe núi là tiếng róc rách của những con suối nhỏ... Tất cả tạo thành một bản hòa tấu độc đáo.

 Đứng trên cầu nhìn về hướng tây nam, thành phố Quy Nhơn trông như bức tranh sơn thủy hữu tình. Hướng về biển Đông là những vó biển của dân chài xã Nhơn Lý, phía xa nhấp nhô những cụm sa mạc cát trùng phùng hòa lẫn mây ngàn. Tất cả tạo nên một cảm giác bềnh bồng khó tả.

 Từ trên cao nhìn xuống có thể thấy những cụm san hô ngầm to nhỏ lẫn trong màu xanh trong của nước biển. Xuống gần hơn, bạn còn có cơ hội mục kích những chú cá đầy màu sắc tung tăng bơi lội dưới nước. Cách bờ một chút là hòn Mòng với những cụm đá nhấp nhô, uốn lượn.

Người dân nơi đây ví hòn Mòng như con cá sấu lớn vươn mình ra biển cả, cũng có người bảo đó là con trâu lớn đang ngụp lặn tắm mát.

Dọc bờ biển là những viên đá lớn nhỏ được sóng biển mài phẳng lỳ gọi là bãi đá đẻ. Các ngư dân lý giải như thế vì ngày càng thấy... nhiều đá. Tôi cũng tò mò nhặt một hòn đá nhỏ cho vào balô, để khi về nhà xem đá có đẻ hay không (?).

Nếu không thì coi như một vật kỷ niệm với điểm đến ấn tượng này vậy!...

Vietbao (Theo: quehuongonline.vn)

 

 

Make a Free Website with Yola.